Kiến thức giáo dục dành cho giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông

  • Công văn 404/SGDĐT-GDTrH của sở GDĐT tỉnh Long An về việc hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn cấp trung học – THPT & THCS. (Ngày hiệu lực: 13/03/2012) >>> Download toàn bộ CV – 6 file .doc 
  • Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT: Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (hiệu lực 26/01/2012)
  • Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
  • Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
  • Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

 >>> Luật giáo dục 2005/2009 (đầy đủ)
>>> Mẫu đề thi viên chức ngành giáo dục

________________________________________________________

1) Môn học tự chọn (>>> Công văn 404/SGDĐT-GDTrH)
Là môn học được dạy và đánh giá như 1 môn học trong kế hoạch giáo dục. Ở chương trình trung học cơ sở, môn tự chọn là: Tin học, Ngọai ngữ 2, nghề phổ thông (dạy học ở Trung tâm GDTX&KTTH-HN, TT KTTH-HN); ở chương trình THPT phân ban môn học tự chọn là các môn học nâng cao trong Ban cơ bản.

2) Dạy học tự chọn theo chủ đề (gọi tắt là chủ đề tự chọn)
Là nội dung dạy học sao cho phù hợp với yêu cầu của đối tượng. Chủ đề tự chọn có 2 lọai: chủ đề nâng cao và chủ đề bám sát. Ở chương trình trung học cơ sở dạy học tự chọn chỉ dạy chủ đề bám sát; ở chương trình THPT phân ban chủ đề tự chọn nâng cao thuộc 8 môn học có chương trình nâng cao, chủ đề bám sát thuộc các môn học trong kế hoạch giáo dục.

a) Nội dung dạy chủ đề tự chọn: Dạy chủ đề  tự chọn theo 2 hình thức:

– Dạy học chủ đề bám sát là để ôn tập, hệ thống hóa, khắc sâu kiến thức, kĩ năng, cho học sinh ở một môn học trong phạm vi chương trình của một chương, một học kì, một lớp hoặc nhiều lớp, không bổ sung kiến thức nâng cao mới. Đối tượng theo học chủ đề bám sát là những học sinh còn hạn chế kiến thức.

Chủ đề nâng cao là chủ đề dạy học nhằm bổ sung, nâng cao, vận dụng  kiến thức đã học cho học sinh ở một môn học trong phạm vi chương trình của một chương, một học kì, một lớp hoặc nhiều lớp. Đối tượng theo học chủ đề nâng cao là những học sinh có học lực khá, giỏi.

Khi thực hiện chủ đề bám sát, chủ đề nâng cao tuyệt đối không được dạy trước chương trình ở từng thời điểm dạy học.

b) Chương trình, tài liệu dạy chủ đề tự chọn

THPT phân ban, giáo viên bộ môn căn cứ bản chương trình của Bộ GD&ĐT để biên sọan chủ đề tự chọn sao cho sát với đối tượng học tập. Sau khi biên sọan, tài liệu này phải được thông qua tổ chuyên môn góp ý và Hiệu trưởng (hoặc PHT) duyệt trước khi giáo viên dạy và đồng thời gửi về Sở để báo cáo.

3) Căn cứ đánh giá, xếp loại hạnh kiểm: (>>> Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT)

a) Đánh giá hạnh kiểm của học sinh căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội; ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;

b) Xếp loại hạnh kiểm:
Hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt (T), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y) sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.

4) Căn cứ đánh giá, xếp loại học lực

a) Mức độ hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục trong Kế hoạch giáo dục cấp THCS, cấp THPT;
b) Kết quả đạt được của các bài kiểm tra.

Học lực được xếp thành 5 loại: Giỏi (G), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y), kém (Kém).

5) Hình thức kiểm tra, các loại bài kiểm tra, hệ số điểm bài kiểm tra

1. Hình thức kiểm tra: Kiểm tra miệng (kiểm tra bằng hỏi-đáp), kiểm tra viết, kiểm tra thực hành.

2. Các loại bài kiểm tra:

a) Kiểm tra thường xuyên (KTtx) gồm: Kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết;
b) Kiểm tra định kỳ (KTđk) gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ (KThk).

3. Hệ số điểm các loại bài kiểm tra:

a) Đối với các môn học đánh giá bằng cho điểm: Điểm kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên tính hệ số 2, điểm kiểm tra học kỳ tính hệ số 3.
b) Đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét: Kết quả nhận xét của các bài kiểm tra đều tính một lần khi xếp loại môn học sau mỗi học kỳ.

6) Cách đánh giá và cho điểm:

a) Điểm trung bình môn học kỳ (ĐTBmhk) là trung bình cộng của điểm các bài KTtx, KTđk và KThk với các hệ số quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quy chế này:

ĐTBmhk =(TĐKTtx + 2 x TĐKTđk + 3 x ĐKThk) / (Số bài KTtx + 2 x Số bài KTđk + 3)

– TĐKTtx: Tổng điểm của các bài KTtx
– TĐKTđk: Tổng điểm của các bài KTđk
– ĐKThk: Điểm bài KThk

b) Điểm trung bình môn cả năm (ĐTBmcn) là trung bình cộng của ĐTBmhkI với ĐTBmhkII, trong đó ĐTBmhkII tính hệ số 2:

ĐTBmcn = (ĐTBmhkI + 2 x ĐTBmhkII) /3

c) ĐTBmhk và ĐTBmcn là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

7) Điểm trung bình các môn học kỳ, cả năm học

1. Điểm trung bình các môn học kỳ (ĐTBhk) là trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ của các môn học đánh giá bằng cho điểm.

2. Điểm trung bình các môn cả năm học (ĐTBcn) là trung bình cộng của điểm trung bình cả năm của các môn học đánh giá bằng cho điểm.

3. Điểm trung bình các môn học kỳ hoặc cả năm học là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

 8) Lên lớp hoặc không được lên lớp

1. Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp:

a) Hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên;
b) Nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).

2. Học sinh thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì không được lên lớp:

a) Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);
b) Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu;
c) Sau khi đã được kiểm tra lại một số môn học, môn đánh giá bằng điểm có điểm trung bình dưới 5,0 hay môn đánh giá bằng nhận xét bị xếp loại CĐ, để xếp loại lại học lực cả năm nhưng vẫn không đạt loại trung bình.
d) Hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên vẫn bị xếp loại yếu về hạnh kiểm.

9) Trách nhiệm của giáo viên bộ môn

1. Thực hiện đầy đủ số lần kiểm tra; trực tiếp chấm bài kiểm tra, ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn kiểm tra bằng nhận xét), ghi nội dung nhận xét của người chấm vào bài kiểm tra; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn kiểm tra bằng nhận xét) vào sổ gọi tên và ghi điểm; đối với hình thức kiểm tra miệng, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp, nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn kiểm tra bằng nhận xét) vào sổ gọi tên và ghi điểm thì phải thực hiện ngay sau đó.

2. Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học đánh giá bằng cho điểm), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kỳ, cả năm học và trực tiếp ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm, vào học bạ.

3. Tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm từng học kỳ, cả năm học của học sinh.

 10) Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm

1. Kiểm tra sổ gọi tên và ghi điểm của lớp; giúp Hiệu trưởng theo dõi việc kiểm tra cho điểm, mức nhận xét theo quy định của Quy chế này.

2. Tính điểm trung bình các môn học theo học kỳ, cả năm học; xác nhận việc sửa chữa điểm, sửa chữa mức nhận xét của giáo viên bộ môn trong sổ gọi tên và ghi điểm, trong học bạ.

3. Đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực từng học kỳ, cả năm học của học sinh. Lập danh sách học sinh đề nghị cho lên lớp, không được lên lớp; học sinh được công nhận là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến; học sinh phải kiểm tra lại các môn học, học sinh phải rèn luyện về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè.

4. Lập danh sách học sinh đề nghị khen thưởng cuối học kỳ, cuối năm học.

5. Ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm và vào học bạ các nội dung sau đây:

a) Kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh;
b) Kết quả được lên lớp hoặc không được lên lớp, công nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến học kỳ, cả năm học, được lên lớp sau khi kiểm tra lại hoặc rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè;
c) Nhận xét đánh giá kết quả rèn luyện toàn diện của học sinh trong đó có học sinh có năng khiếu các môn học đánh giá bằng nhận xét.
6. Phối hợp với Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ban Đại diện cha mẹ học sinh của lớp để tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.

11) Giải thích từ ngữ chuyên ngành giáo dục: (>>> Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT)

1. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với giáo viên trung học về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Chuẩn gồm 6 tiêu chuẩn với 25 tiêu chí.

2. Tiêu chuẩn là quy định về những nội dung cơ bản, đặc trưng thuộc mỗi lĩnh vực của chuẩn.

3. Tiêu chí là yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.

4. Minh chứng là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí.

5. Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

6. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức.

7. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục quy định tại khoản 2 điều này tổ chức.

12) Tiêu chuẩn

 a) Tiêu chuẩn1: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống

– Tiêu chí 1. Phẩm chất chính trị

– Tiêu chí 2. Đạo đức nghề nghiệp

– Tiêu chí 3. ứng xử với học sinh

– Tiêu chí 4. ứng xử với đồng nghiệp

– Tiêu chí 5. Lối sống, tác phong

b) Tiêu chuẩn 2: Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục

– Tiêu chí 6. Tìm hiểu đối tượng giáo dục

– Tiêu chí 7. Tìm hiểu môi trường giáo dục

c) Tiêu chuẩn 3: Năng lực dạy học

– Tiêu chí 8. Xây dựng kế hoạch dạy học

– Tiêu chí 9. Đảm bảo kiến thức môn học

– Tiêu chí 10. Đảm bảo chương trình môn học

– Tiêu chí 11. Vận dụng các phương pháp dạy học

– Tiêu chí 12. Sử dụng các phương tiện dạy học

– Tiêu chí 13. Xây dựng môi trường học tập

– Tiêu chí 14. Quản lý hồ sơ dạy học

– Tiêu chí 15. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh

d) Tiêu chuẩn 4: Năng lực giáo dục

– Tiêu chí 16. Xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục

– Tiêu chí 17. Giáo dục qua môn học

– Tiêu chí 18. Giáo dục qua các hoạt động giáo dục

– Tiêu chí 19. Giáo dục qua các hoạt động trong cộng đồng

– Tiêu chí 20. Vận dụng các nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục

– Tiêu chí 21. Đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh

đ) Tiêu chuẩn 5: Năng lực hoạt động chính trị, xã hội

– Tiêu chí 22. Phối hợp với gia đình học sinh và cộng đồng

– Tiêu chí 23. Tham gia hoạt động chính trị, xã hội

f) Tiêu chuẩn 6: Năng lực phát triển nghề nghiệp

– Tiêu chí 24. Tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện

– Tiêu chí 25. Phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục

12) Phương pháp đánh giá, xếp loại giáo viên

1. Việc đánh giá giáo viên phải căn cứ vào các kết quả đạt được thông qua xem xét các minh chứng, cho điểm từng tiêu chí, tính theo thang điểm 4, là số nguyên; nếu có tiêu chí chưa đạt 1 điểm thì không cho điểm.

Với 25 tiêu chí, tổng số điểm tối đa đạt được là 100.

2. Việc xếp loại giáo viên phải căn cứ vào tổng số điểm và mức độ đạt được theo từng tiêu chí, thực hiện như sau:

a) Đạt chuẩn:
– Loại xuất sắc: Tất cả các tiêu chí đạt từ 3 điểm trở lên, trong đó phải có ít nhất 15 tiêu chí đạt 4 điểm và có tổng số điểm từ 90 đến 100.
– Loại khá: Tất cả các tiêu chí đạt từ 2 điểm trở lên, trong đó phải có ít nhất 15 tiêu chí đạt 3 điểm, 4 điểm và có tổng số điểm từ 65 đến 89.
– Loại trung bình: Tất cả các tiêu chí đều đạt từ 1 điểm trở lên nhưng không xếp được ở các mức cao hơn.

b) Chưa đạt chuẩn – loại kém: Tổng số điểm dưới 25 hoặc từ 25 điểm trở lên nhưng có tiêu chí không được cho điểm.

13) Các loại hình và hệ thống trường trung học (>>> Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT)

1. Trường trung học được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.

a) Trường công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và Nhà nước trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

2. Các trường có một cấp học gồm:

a) Trường trung học cơ sở;
b) Trường trung học phổ thông.

3. Các trường phổ thông có nhiều cấp học gồm:

a) Trường tiểu học và trung học cơ sở;
b) Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông;
c) Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

4. Các trường chuyên biệt gồm:

a) Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú;
b) Trường chuyên, trường năng khiếu;
c) Trường dành cho người tàn tật, khuyết tật;
d) Trường giáo dưỡng.

14) Phân cấp quản lý – Thẩm quyền thành lập

1. Trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS do phòng giáo dục và đào tạo quản lý.

2. Trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT do sở giáo dục và đào tạo quản lý.

3. Trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện phân cấp quản lý theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.

>>> Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập đối với trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập đối với các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT.

>>> Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT.

15) Lớp, tổ học sinh

a) Học sinh được tổ chức theo lớp. Mỗi lớp có lớp trưởng, 1 hoặc 2 lớp phó do tập thể lớp bầu ra vào đầu mỗi năm học;
b) Mỗi lớp ở các cấp THCS và THPT có không quá 45 học sinh;
c) Số học sinh trong mỗi lớp của trường chuyên biệt được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt đông của trường chuyên biệt.

>>> Mỗi lớp được chia thành nhiều tổ học sinh. Mỗi tổ không quá 12 học sinh, có tổ trưởng, 1 tổ phó do các thành viên của tổ bầu ra vào đầu mỗi năm học.

16) Tổ chuyên môn – Tổ Văn phòng

a) Tổ chuyên môn

1. Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của trường trung học được tổ chức thành tổ chuyên môn theo môn học, nhóm môn học hoặc nhóm các hoạt động ở từng cấp học THCS, THPT. Mỗi tổ chuyên môn có tổ trưởng, từ 1 đến 2 tổ phó chịu sự quản lý chỉ đạo của Hiệu trưởng, do Hiệu trưởng bổ nhiệm trên cơ sở giới thiệu của tổ chuyên môn và giao nhiệm vụ vào đầu năm học.
2. Tổ chuyên môn sinh hoạt hai tuần một lần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hay khi Hiệu trưởng yêu cầu.

b) Tổ Văn phòng

1. Mỗi trường trung học có một tổ Văn phòng, gồm viên chức làm công tác văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trường học và nhân viên khác.
2. Tổ Văn phòng có tổ trưởng và tổ phó, do Hiệu trưởng bổ nhiệm và giao nhiệm vụ.
3. Tổ Văn phòng sinh hoạt hai tuần một lần và các sinh hoạt khác khi có nhu cầu công việc hay khi Hiệu trưởng yêu cầu.

17) Hội đồng trường

1. Hội đồng trường đối với trường trung học công lập, Hội đồng quản trị đối với trường trung học tư thục (sau đây gọi chung là Hội đồng trường) là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

2. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường trung học công lập:
Hội đồng trường gồm: đại diện tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Công đoàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ Văn phòng.
Hội đồng trường có Chủ tịch, 1 thư ký và các thành viên khác. Tổng số thành viên của Hội đồng trường từ 9 đến 13 người.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường trung học công lập:
a) Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược, các dự án, kế hoạch và phương hướng phát triển của nhà trường;
b) Quyết nghị về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường;
d) Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát các hoạt động của nhà trường.

>>> Các hội đồng – tổ chức khác trong nhà trường

1. Hội đồng thi đua và khen thưởng
2. Hội đồng kỷ luật
3. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
4. Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong nhà trường hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm giúp nhà trường thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.

18) Các hoạt động giáo dục

1. Các hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động trong giờ lên lớp và hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động.

2. Hoạt động giáo dục trong giờ lên lớp được tiến hành thông qua việc dạy học các môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình giáo dục của cấp học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp bao gồm các hoạt động ngoại khoá về khoa học, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống nhằm phát triển toàn diện và bồi dưỡng năng khiếu; các hoạt động vui chơi, tham quan, du lịch, giao lưu văn hoá, giáo dục môi trường; hoạt động từ thiện và các hoạt động xã hội khác phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

19) Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học;
b) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS;
c) Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THPT.

2. Giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này được nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng để đạt trình độ chuẩn.

3. Giáo viên có trình độ trên chuẩn, có năng lực giáo dục cao được hưởng chính sách theo quy định của Nhà nước, được nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện để phát huy tác dụng của mình trong giảng dạy và giáo dục.

20) Các hành vi giáo viên không được làm

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.

2. Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

5. Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp.

6. Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.

21) Tuổi học sinh trường trung học

1. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi.

Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước.

2. Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 3 tuổi so với tuổi quy định.

3. Học sinh không được lưu ban quá 02 lần trong một cấp học.

4. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường;
b) Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn gồm: các đại diện của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang theo học; giáo viên dạy lớp trên; nhân viên y tế;
c) Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, Hiệu trưởng xem xét, quyết định.

5. Học sinh trong độ tuổi THCS, THPT ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều được học ở trường THCS hoặc trường THPT tại nơi cư trú hoặc trường THCS và THPT ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Thủ tục như sau:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường;
b) Hiệu trưởng nhà trường tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.

22) Các hành vi học sinh không được làm

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

3. Làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.

4. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

5. Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.

23) Tài sản và các khối công trình của trường

1. Phòng học, phòng học bộ môn

a) Phòng học: – Có đủ phòng học để học nhiều nhất là hai ca trong một ngày;
– Phòng học được xây dựng theo tiêu chuẩn quy định;
– Phòng học có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh, có bàn ghế của giáo viên, có bảng viết và đủ điều kiện về ánh sáng, thoáng mát.
b) Phòng học bộ môn: Thực hiện theo Quy định về tiêu chuẩn phòng học bộ môn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Khối phục vụ học tập gồm nhà tập đa năng, thư viện, phòng hoạt động Đoàn – Đội, phòng truyền thống.

3. Khối hành chính – quản trị.

Gồm phòng làm việc của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, văn phòng, phòng họp toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, phòng các tổ chuyên môn, phòng y tế trường học, nhà kho, phòng thường trực, phòng của các tổ chức Đảng, đoàn thể…

4. Khu sân chơi, bãi tập.

Có diện tích ít nhất bằng 25% tổng diện tích sử dụng của trường, khu sân chơi có hoa, cây bóng mát và đảm bảo vệ sinh; khu bãi tập có đủ thiết bị luyện tập thể dục thể thao và đảm bảo an toàn.

5. Khu vệ sinh và hệ thống cấp thoát nước.

a) Khu vệ sinh được bố trí hợp lý theo từng khu làm việc, học tập cho giáo viên và học sinh, riêng cho nam, nữ, có đủ nước, ánh sáng, đảm bảo vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường;
b) Có hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước cho tất cả các khu vực theo quy định về vệ sinh môi trường.

6. Khu để xe: Bố trí hợp lý trong khuôn viên trường, đảm bảo an toàn, trật tự, vệ sinh.

7. Có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối internet đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học.

24) Ban đại diện cha mẹ học sinh

1. Mỗi lớp có một Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức trong mỗi năm học gồm các thành viên do cha mẹ, người giám hộ học sinh cử ra để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn trong việc giáo dục học sinh.

2. Mỗi trường có một Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học gồm một số thành viên do các Ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp, từng trường trung học thực hiện theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

25) Nội quy trường trung học (>>> Mẫu nội quy lớp học)

Các trường trung học căn cứ các quy định của Điều lệ thông tư này và các quy chế, điều lệ quy định khác của Điều lệ này (đối với trường trung học có cấp tiểu học, trường trung học chuyên biệt, trường trung học tư thục) để xây dựng nội quy của trường mình.

26) Nguyên tắc dạy thêm, học thêm (>>> Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT)

1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

27) Các trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

28) Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm:

1. Cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm.

2. Công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm:

a) Giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;

b) Danh sách người dạy thêm;

c) Thời khóa biểu dạy thêm, học thêm;

d) Mức thu tiền học thêm.

29) Thu và quản lý tiền học thêm

1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;
c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

a) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
b) Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.

30) Yêu cầu đối với người dạy thêm

1. Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

2. Có đủ sức khoẻ.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.

4. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

5. Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).

31) Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm

>>> Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm

1. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường:

a) Tờ trình xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm;
b) Danh sách trích ngang người đăng ký dạy thêm đảm bảo các yêu cầu tại điều 8 quy định này.
c) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm; địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm; mức thu và phương án chi tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.

2. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường:

a) Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với Uỷ ban nhân dân cấp xã về thực hiện các quy định tại khoản 1, điều 6 quy định này;
b) Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
c) Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm và có xác nhận theo quy định tại khoản 5, điều 8 quy định này;
d) Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
đ) Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;
e) Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.

32) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

1. Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, người dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp phép và thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất là 30 ngày. Hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.

3. Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm; thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.

4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện qui định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.